Người ta hay gắn chữ “vua” cho người giỏi một nghề nào đó, chẳng hạn: vua bếp, vua cờ, vua chạm khảm, vua rèn, vua ảo thuật…Lâu nay ở Hà Nội hay nhiều thành phố, thị xã trong cả nước hay gặp biển hiệu “Diệt mối tận gốc” của tư nhân hoặc doanh nghiệp. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như nước ta, có trong tự nhiên rất nhiều loài côn trùng gây tác hại rất lớn cho sản xuất và đời sống này. Và vì thế, trong thời cơ chế thị trường hôm nay đã hiện diện nghề diệt mối, mà diệt được tận gốc, hẳn là đắt khách lắm!
Nếu khách vào một cửa hiệu diệt mối tận gốc, sẽ chỉ mất khoảng năm, sáu chục nghìn đồng đổ lại, là có được một lọ thuốc bột nhỏ, mấy hộp mồi nhử và một bản hướng dẫn. Cách làm thì khá đơn giản: đặt hộp vào những chỗ hay bị mối xông; đợi khoảng nửa tháng mối từ các ngóc ngách mò đến; dỡ hộp cho lộ diện những con mối trắng như hạt gạo, phun thuốc bột lên mình những con mối bằng cách bóp nhiều lần vào vỏ nhựa của lọ; rồi lại để mồi vào chỗ cũ; đợi khoảng mươi ngày sau toàn bộ tổ mối nằm sâu ở nơi nào đó trong nền nhà đã bị xoá sổ rồi. Điều này là chắc chắn, vì sau đó không thấy mối xuất hiện trở lại các nơi trong nhà có kết cấu gỗ, sách vở, quần áo… thậm chí lật những nơi từng bị mối xông còn thấy xác mối nằm rải rác. Người đầu tiên ở nước ta, đưa cách diệt mối tận gốc như trên vào thực tế sản xuất và đời sống là kỹ sư Nguyễn Chí Thanh, nguyên trưởng khoa Bảo quản lâm sản, Viện Khoa học lâm nghiệp, Bộ Lâm nghiệp cũ.
Thế giới đã thống kê được khoảng 2700 loài mối khác nhau, ở nước ta đến nay cũng tìm thấy trên 120 loài. Hơn 40 năm trước, tại Viện Khoa học lâm nghiệp đã có đề tài phòng chống mối cho nhà cửa, kho tàng do kỹ sư Nguyễn Chí Thanh chủ trì. Cách làm quen thuộc là đào bới xung quanh khu vực có tổ mối, rồi đổ hoá chất diệt mối. Cách làm này có nhược điểm là hiệu quả thấp, khó tìm được chính xác vị trí tổ mối, nhiều khi diệt được tổ này còn tổ khác, hơn nữa, việc đổ một lượng khá lớn dung dịch diệt mối vào tổ dễ gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Lúc đó kỹ sư Thanh còn khá trẻ và ông nung nấu một ý tưởng táo bạo là diệt mối bằng chính đặc tính sinh học của nó. Mối là loài côn trùng xã hội, trong tổ phân công rất quy củ gồm: mối chúa, mối vua, mối thợ, mối lính, mối cánh, mỗi loại một chức năng riêng, lực lượng đông đảo và phá hoại công trình mạnh nhất là mối thợ. Loài mối thường gặp phổ biến ở nước ta, là mối nhà, tên khoa học Coptotermes formosanus shis. Để tìm hiểu đặc tính sinh học của mối, kỹ sư Thanh đã đào tổ mối trong lòng đất, đưa vào các bể kính, thiết lập một hệ thống mô hình tổ nhân tạo để có thể quan sát đặc tính sống chung đụng, cộng sinh của chúng. Thời đó những thông tin khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế còn rất ít. May sao năm 1961, Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội đã ấn hành cuốn sách vẻn vẹn có 32 trang: “Phương pháp phòng trị mối” của Lý Thuỷ Mỹ. Tác giả quê Quảng Đông, Trung Quốc, vốn là một nông dân, từng được tôn vinh là “vua mối” bởi đã có thực tiễn diệt mối cho 5000 căn nhà, với trên 3000 tổ mối và trong phong trào “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” ông đã cống hiến toàn bộ kinh nghiệm diệt mối phong phú của mình, viết ra cuốn sách đó. Kỹ sư Nguyễn Chí Thanh tham khảo cách diệt mối của Lý Thuỷ Mỹ và đã vận dụng vào điều kiện Việt Nam một cách rất sáng tạo. Nếu như “vua mối” Trung Quốc đã đúc kết được 13 kinh nghiệm cụ thể để tìm đến tổ mối, rồi phun thuốc lên nóc tổ gây nhiễm độc cả tổ, thì ông lại có cách tiếp cận khác. Đó là không cần biết cụ thể vị trí tổ mối, ông đặt những mồi nhử là những thanh gỗ mềm chẻ mỏng trong hộp các tông tại khu vực có mối hoạt động, để nhử mối đến, phun thuốc bột lên mình mối, không làm nó chết ngay mà “cõng” thuốc chạy về tổ, gây lây nhiễm cả tổ trong thời gian ngắn. Chính nhờ cách làm đơn giản, rẻ tiền như vậy mà phương pháp diệt mối tận gốc có sức sống lâu bền, trở thành một nghề phổ biến đến hôm nay. Thời kỳ những năm 1968-1975 nhiều công trình quan trọng ở thủ đô Hà Nội như: nhà sàn Bác Hồ, Phủ chủ tịch, Hội trường Ba Đình, Nhà hát lớn…đã được chống mối theo phương pháp này đạt hiệu quả rất cao. Thủ tướng chính phủ đã tặng kỹ sư Nguyễn Chí Thanh bằng khen, về sau là Huân chương lao động hạng ba. Và ông còn được thưởng hiện vật kèm theo một chiếc xe máy Babeta, đó là trường hợp khá hy hữu với giới nghiên cứu khoa học thời đó. Cũng đã xảy ra sự “không chịu” của một số đồng nghiệp. Lúc đó họ cho rằng Nguyễn Chí Thanh cóp nguyên xi cách làm của Lý Thuỷ Mỹ, song những bằng chứng cụ thể đã nhanh chóng bác bỏ sự ngộ nhận này. Đến tuổi xấp xỉ sáu mươi, kỹ sư Nguyễn Chí Thanh đã bảo vệ xuất sắc luận văn tiến sĩ về phương pháp chống mối bằng sinh học, thêm một lần ông tổng kết đầy đủ về phương diện thực tiễn và lý thuyết từ những kết quả diệt mối tận gốc hàng nghìn công trình nhà cửa, kho tàng, di tích lịch sử…trong suốt hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học lâm nghiệp. Rồi khi đã nghỉ hưu, ông tham gia ban chấp hành Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và là giám đốc sáng lập Trung tâm Phát triển công nghệ lâm sản có trụ sở chính tại 111 Láng Hạ, Hà Nội. Tại Trung tâm này trong suốt hơn 10 năm tồn tại vừa qua, lớp đàn em, con cháu của ông đã triển khai rất thành công trên diện rộng toàn quốc phương pháp diệt mối tận gốc, trong đó còn có nhiều cải tiến mới về thuốc cũng như quy trình công nghệ phòng trừ mối. Cần phải nói thêm điều này, phương pháp diệt mối tận gốc là độc đáo của Việt Nam, ngày nay nhiều nước tiên tiến trên cũng chưa biết đến. Bằng chứng là, năm 2005 Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội bị mối xông khá nặng, đã thuê một công ty diệt mối của Úc, công ty này không có cách diệt nào mới vẫn là phương pháp quen thuộc như xông hơi và đổ thuốc, tốn mấy chục nghìn USD mà mối vẫn không hết. Đại sứ quán Mỹ mới tìm đến Trung tâm Phát triển công nghệ lâm sản, kết quả chỉ mất vài nghìn USD, chẳng phải đào bới hoặc đổ thuốc, chỉ sau một tháng đặt mồi và phun thuốc đã qua 3 năm bảo hành, đến nay chưa thấy mối trở lại.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Thanh đã qua đời ngày 11-12-2006 tại Hà Nội, hưởng thọ 75 tuổi. Ông xứng đáng được tôn vinh là “Vua mối” ViệtNam.
0 Nhận xét